ThienNhien.Net – Mực nước của hồ nước mặn mang tên Biển Chết đang suy giảm trong vài năm gần đây. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, người ta lo ngại Biển Chết sẽ trở nên khô cạn, thậm chí biến mất. Lo ngại này cũng được một nghiên cứu mới đây kết luận là có cơ sở.
Nếu năm 1930, bề mặt Biển Chết nằm ở 390m dưới mực nước biển, thì sang đến năm 2008, con số này đã giảm xuống còn 421m dưới mực nước biển, do nước đã được người dân tại Israel, Jordan, Lebanon, Palestine và Syria sử dụng trước khi chảy về Biển Chết – nhóm nghiên cứu thuộc Dự án Dead Sea Deep Drill Core cho biết.
Biển Chết tại Thung lũng Jordan (Ảnh: Atlastours.net)
Biển Chết nằm ở điểm thấp nhất của phần lục địa trên Trái đất. Hàm lượng muối trong hồ chứa có độ mặn cao nhất thế giới (33,7%) này có thể khiến người ta nổi tự nhiên trên mặt nước mà không cần bơi.
Qua thời gian, Biển Chết đã bị thu hẹp và dần dần biến đổi, đôi lúc những sự thay đổi đó cũng hết sức khắc nghiệt. Ngay cả khi chưa có sự can thiệp của con người, Biển Chết cũng có lúc đã gần như khô cạn hoàn toàn, như sự kiện xảy ra cách đây 120.000 năm mà lịch sử ghi nhận được.
Tuy nhiên, tình trạng khô cạn trước đó đều do tự nhiên mà chủ yếu vì sự thay đổi của khí hậu, ông Zvi Ben-Avraham thuộc Đại học Tel-Aviv (Israel), trưởng nhóm nghiên cứu, nhận định. “Còn những gì chúng ta thấy đang diễn ra tại Biển Chết hiện nay rất giống giai đoạn khô hạn nghiêm trọng trong lịch sử, nhưng thủ phạm lại không phải do khí hậu mà do chính bản thân con người”.
Còn bà Emi Ito, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Minnesota (Hoa Kỳ) cho hay, kịch bản nóng lên toàn cầu chắc chắn sẽ góp phần làm cho khu vực này trở nên khô và nóng hơn so với hiện tại. Mặc dù các mô hình biểu diễn sự suy giảm mực nước hồ trước đó đã chỉ rõ hồ sẽ không hoàn toàn cạn khô mà ổn định ở mức 100 – 150m dưới mực nước biển, song, theo bà Emi Ito, Biển Chết có thể khô cạn nhanh hơn thời điểm cách đây 120.000 năm vì ngoài tác động tự nhiên, giờ nó phải hứng chịu thêm tác động của con người.
Nằm trên biên giới giữa Bờ Tây, Israel và Jordan, Biển Chết hay còn gọi là Biển Muối, Biển Arabah… có chiều dài 76km, chỗ rộng nhất lên tới 18km và chỗ sâu nhất là 400m. Lượng nước trong hồ mỗi ngày đều bốc hơi khoảng 7 tấn, nhưng riêng chất khoáng luôn luôn tích tụ lại khiến hàm lượng muối trong nước biển cứ thế tăng dần, gấp gần 10 lần độ mặn của các đại dương trên thế giới và gấp 2 lần độ mặn của Hồ Muối Lớn ở Utah. Đây cũng là lý do mà không một loài cá hay động, thực vật thủy sinh nào có thể sống được trong nước của Biển Chết, trừ một số loại vi khuẩn, nấm mốc. Tuy nhiên, vào mùa ngập lụt hoặc khi đông tới, hàm lượng muối thường sụt giảm so với mức bình thường, sự sống nhất thời lại trở về với Biển Chết.
http://www.thiennhien.net/2011/12/18/bien-chet-co-the-bien-mat/